Cúm A là cúm gì?
Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.
1. Bệnh cúm mùa do nhiễm virus cúm A/H1N1
Nhiễm virus cúm A/H1N1 thông qua các đường như tiếp xúc với dụng cụ, đồ vật có virus, hoặc tiếp xúc với người bệnh, gây ra bệnh cúm mùa, khiến đường hô hấp bị nhiễm trùng, với các triệu chứng như sốt, ho do viêm và đau họng, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ bắp, có thể kèm theo tiêu chảy, nôn và buồn nôn.
Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau một vài ngày, tuy nhiên nếu xảy ra ở các đối tượng như phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ, người bị bệnh hô hấp hoặc suy giảm miễn dịch, thì bệnh có thể tiến triển nặng.
2. Cách phòng ngừa H1N1
Bệnh cúm mùa do nhiễm virus cúm A/H1N1 có thể được chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp cụ thể sau:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, hạn chế để tay tiếp xúc với mắt, mũi.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh thoáng mát, sạch sẽ bằng cách lau chùi các dụng cụ, đồ vật thường xuyên tiếp xúc.
- Sử dụng khẩu trang khi đến những nơi đông người hoặc ở ngoài môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm. thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao, thường xuyên vận động để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
-
Với những trường hợp người bệnh bị nhiễm virus cúm A/H1N1, để tránh lây truyền virus cho người khác nên sử dụng khẩu trang khi đến những nơi đông người, hoặc dùng tay che mũi, miệng khi hắt hơi, ho. Có thể sử dụng khăn giấy sau khi hắt hơi, tuy nhiên cần lưu ý loại bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác. Bên cạnh đó, người bệnh cần theo dõi, nếu dấu hiệu nặng cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Tránh tự ý mua và uống thuốc mà không theo chỉ định của bác sĩ.
3. Tiêm phòng cúm A/H1N1
Hiện nay, để phòng ngừa nhiễm virus cúm A/H1N1 có thể tiêm vắc-xin cúm.
Sau khi tiêm khoảng 2 - 3 tuần, vắc-xin sẽ tạo kháng thể để giúp cơ thể phòng ngừa với các loại virus gây bệnh cúm. Vắc-xin duy trì tác dụng trong khoảng 6 - 12 tháng. Do đó, cần phải tiêm phòng cúm A/H1N1 hàng năm vì có thể các chủng virus sẽ biến đổi và lây truyền với tốc độ rất nhanh.
Trong trường hợp người bệnh đã bị nhiễm virus cúm và tiêm vắc-xin thì sau khi tiêm vẫn có khả năng bị bệnh cúm.
Để đạt hiệu quả phòng ngừa cao nhất, cả trẻ em và người lớn cần lưu ý tiêm đúng lịch và tiêm đủ mũi, đặc biệt là mũi nhắc lại.